DI TÍCH ĐỀN ĐỒNG KÈ
Ngày xuất bản: 31/10/2023 7:58:00 SA
Lượt đọc: 14951

Thịnh Hưng là xã thuộc vùng hạ của huyện Yên Bình, nằm dọc theo quốc lộ 70. Đây cũng là cái nôi của Cách mạng Việt Nam, ngày 01 tháng 3 năm 1947, toàn bộ cơ quan Khu bộ Chiến khu 10 chuyển về Thịnh Hưng (Yên Bái) - Đại Phạm (Phú Thọ), trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu 10 được đặt ở làng Hơn, xã Thịnh Hưng được công nhận là di tích cấp tỉnh vào tháng 9 năm 2011. Đến tháng 8 năm 2023, xã đã được công nhận thêm 01 di tích cấp tỉnh nữa là đền Đồng Kè thuộc thôn Hơn

 Toàn cảnh khu vực di tích đền Đồng Kè

xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình thời điểm lập hồ sơ di tích (Ảnh: Hà Ly Ly)

Đền Đồng Kè quy mô diện tích tuy nhỏ nhưng khang trang, hài hòa với cảnh quan xung quanh, đền quay hướng Tây Nam. Từ đường giao thông liên thôn dẫn vào di tích xây dựng một cây cầu bằng xi măng, cùng hàng cây thân gỗ lớn tạo quang cảnh cho di tích. Trong khuôn viên của đền còn có một chiếc giếng ngay cạnh cây cầu dẫn vào đền.

Căn cứ vào nguồn tư liệu và nhân chứng cung cấp thông tin đã thu thập được trong quá trình xây dựng hồ sơ, đặc biệt là văn tự sao chép lại, văn tự trên đại tự, vì kèo, cột của thiết chế, sau thời gian nghiên cứu, phân tích có thể đưa ra một số nhận định như sau:

Đây là một di tích có bề dày lịch sử, được thể hiện trong các bản Hán văn và viết trực tiếp trên kiến trúc của di tích (bức đại tự, xà ngang, cột, tường nhà). Cuối thế kỷ XIX khởi dựng đền là một miếu nhỏ, nhân dân đã dựng miếu để thờ Cao Sơn Đại Vương với mong muốn được bảo vệ khỏi những khắc nghiệt của cuộc sống. Theo phần dịch nghĩa trên xà ngang và bức đại tự của thiết chế đền thì đền Đồng Kè  được dựng mới năm Mậu Thân niên hiệu Duy Tân [1908]. Năm 1908, miếu Đồng Kè đã được dựng bng gỗ,1 gian, lợp cọ và được tôn lên thành đền.

Đến 1946 khi dân từ vùng Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên… lên sinh sống, đền chính thức được trùng tôn thành xây tường gạch và theo nguyên kiến trúc trước đó. Đền quay hướng Tây Bắc. Năm 1960, đền bị tạm ngừng hoạt động và không tổ chức lễ hội đến ngày nay. Đến năm 2006, nhân dân trong xã Thịnh Hưng mong muốn tu bổ lại đền Đồng Kè để thuận tiện cho việc thờ cúnggiữ nguyên hiện trạng thờ cúng tại đền gồm cả ngai thờ đã được đưa trước đó từ khoảng những năm 1960 khi đình làng Hơn bị phá dỡ.

Theo bản sao tài liệu ghi chép Thần tích còn lưu giữ tại đền Đồng Kè  thì nhân vật thờ tại di tích được nhắc đến là Trụ Tung Sơn đại vương và theo các cụ cao niên trong vùng chính là thần Cao Sơn Đại Vương. Theo nhân chứng cung cấp thông tin từ các cụ già, người có uy tín trong vùng cho biết Thần Cao Sơn Đại Vương đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ, che chở cho họ khỏi nguy hiểm, Thần còn giúp cứu chữa bệnh hiểm nghèo, vượt qua cơn hoạn nạn, vì vậy đã được nhân dân lập miếu thờ.

Đền được người dân thôn Hơn, xã Thịnh Hưng coi là chốn linh thiêng. Những người vi phạm điều cấm sẽ bị làng đưa ra xử phạt nghiêm khắc. Theo tục lệ cũ thì tên của vị Sơn Thần, Thành hoàng làng thờ tại di tích được coi là tên húy, người trong làng, xã không được đọc, gọi tên các vị thần, thánh được thờ. Ngoài ra, lệ làng còn nghiêm cấm việc làm nhà, chặt cây, thả gia súc gần khu vực này, cấm trẻ con nô đùa, nghịch ngợm trên khu vực đền...

Đền là địa điểm chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương và dân tộc, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước. Trong những năm kháng chiến chống Pháp địa điểm nơi hoạt động của cách mạng, tuyên truyền khi Việt Minh trong thời gian Ủy ban hành chính kháng chiến liên khu 10 đặt tại Thịnh Hưng. Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bảo vệ Tổ quốc, đền được chọn làm nơi tập hợp các tầng lớp nhân dân, chuẩn bị vũ khí tham gia, ủng hộ vào các phong trào cách mạng của địa phương và cả nước. Từ đây lòng yêu nước được vun đắp trong nhân dân, đóng góp không nhỏ vào thành công chung trong công cuộc giành độc lập, tự do của dân tộc.

Đềnthiết chế với nhiều chức năng, đền đã trở thành biểu tượng quyền lực, là không gian gắn kết cộng đồng các dân tộc; nơi hội họp, cầu phúc, cầu bình an, cầu may mắn, cầu mùa màng; thúc đẩy con người lao động hăng say, trung thực, trọng nghĩa, hướng đến một cuộc sống no đủ, bình an.

Đền Đồng Kè là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Đền Đồng Kè, xã Thịnh Hưng ra đời và tồn tại đã đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nơi quy tụ tâm linh của cư dân đồng thời chứa đựng giá trị văn hoá bản địa đặc sắc của nhân dân xã Thịnh Hưng. Đền đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái xếp hạng là di tích cấp tỉnh theo quyết định số 1475/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2023.

 

Ly Ly - TTQLDTPTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/