• Loading...
TRUNG TÂM QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH YÊN BÁI – CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG DU LỊCH TỈNH YÊN BÁI - WELCOME TO YEN BAI TOURISM.
 
Nghệ thuật chế tác sáo mũi của người Phù Lá Xá Phó (xã Châu Quế Thượng - huyện Văn Yên – tỉnh Yên Bái)
Ngày xuất bản: 10/08/2017 11:49:00 CH
Lượt đọc: 1889

                Xã Châu Quế Thượng là một xã vùng cao thượng nguồn đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, cách trung tâm huyện lỵ 50km về phía Bắc; phía Đông giáp xã Lâm Giang, Lang Thíp; phía Nam giáp xã Châu Quế Hạ; phía Bắc giáp xã Tân An (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai); phía Tây giáp Nặm Tha (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai). Dân số của toàn xã là 3.967 người (số liệu thống kê năm 2014). Trong đó, tộc người Kinh chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 41,78%, tiếp đến là tộc người Phù Lá Xá Phó 22,17%, tộc người Tày 15,88%, tộc người Mường 0,63%, tộc người Hmông 15,2% và tộc người Dao là 4,3%.

Người Phù Lá ở đây có nhiều hoạt động thủ công truyền thống phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp, điển hình là nghề đan lát, thêu thùa và chế tác nhạc cụ cổ truyền. Trong đó nổi bật nhất là nghề chế tác nhạc cụ truyền thống của dân tộc, đặc biệt là cây sáo mũi (cúc kẹ) được nghệ nhân người Phù Lá tự tay chế tác và mang đi biểu diễn tại các chương trình văn hóa, văn nghệ dân gian tại khắp các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài cây sáo mũi, họ còn biết chế tác hai loại nhạc cụ khác đó là: khèn bầu và đàn nhị.

Bà Đặng Thị Thanh thổi sáo mũi. Ảnh : Sưu tầm

Nghề chế tác nhạc cụ của tộc người Phù Lá đã có từ rất lâu nhưng đến nay có rất ít người trong xã biết về nghề này. Nguyên liệu để chế tác rất sẵn có bởi cuộc sống của họ luôn gắn liền với thiên nhiên, bao quanh bản làng là những cánh rừng xanh bạt ngàn tre nứa. Đây cũng là môi trường thuận lợi để tạo nên những nhạc cụ độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc mà không phải dân tộc nào cũng có được, bởi lẽ cây sáo mũi này chỉ có duy nhất ở tộc người Phù Lá Xá Phó.

Trước đây, những người dân trong làng phải đi vào rừng sâu mới kiếm được những ống kẹ (nứa) già, tốt và to hơn ngón tay cái một chút để làm nhạc cụ. Trong quan niệm của đồng bào, một nguyên tắc bất di bất dịch trong việc đi tìm nguyên liệu làm nhạc cụ đó là người đi lấy phải tuyệt đối giữ bí mật không được để cho ai biết, ai gọi cũng không được trả lời vì theo quan niệm nếu chẳng may bị phát hiện thì người đi tìm “kẹ” sẽ không được may mắn mà có khi còn gặp bất trắc hoặc là có tìm được cây “kẹ” ưng ý về làm sáo thì hồn sáo cũng bay đi mất và sáo có làm ra thì cũng chẳng thổi được.

Cây “kẹ” lấy về không thể làm được ngay mà người ta phải phơi nắng ít nhất là nửa tháng cho kẹ thật khô, thật già thì âm thanh của sáo sẽ không bị biến dạng. Trước kia, khi đi nương làm rẫy, đốt nương người Phù Lá Xá Phó thường để ý đến những gốc nứa cháy hết còn trơ lại một vài gốc nứa già chưa cháy hết họ cắt về và làm sáo, vì đốt như vậy thì họ sẽ làm sáo được ngay mà không cần phải phơi nắng.

Sáo mũi (Cúc kẹ) được làm từ một ống nứa già to hơn ngón tay cái, không được to quá hoặc nhỏ quá, nếu ống nứa to quá thì khoảng không trong cây sáo sẽ bị rỗng và mất rất nhiều hơi ở mũi để thổi nếu không hơi sẽ không thể lên được, còn nếu nhỏ quá thì mũi cũng sẽ không đủ hơi thể tạo ra âm thanh. Hai đầu ống được bịt kín lại sau đó họ dùng một con dao nhỏ thật sắc và nhọn để cạo vào thân ống kẹ, cạo cho đến khi ống kẹ xuất hiện màng đó gọi là màng hơi, là nơi phát ra âm thanh trên cây sáo, nếu làm mạnh tay chúng ta sẽ làm mất đi màng hơi đó. Khi cạo không nên để màng hơi dày quá vì như vậy sáo sẽ không thể tạo ra âm thanh được. Lúc màng hơi xuất hiện cũng là lúc việc chế tác sáo được hoàn thành. Ngoài ra họ còn tạo thêm hai lỗ nhỏ ở gần cuối của cây sáo, đây là hai lỗ làm thay đổi âm thanh của sáo mỗi khi thổi.

Trong khi làm sáo người ta cũng phải làm dấu không cho ai biết là mình đang làm sáo, vì theo quan niệm của đồng bào nếu muốn làm sáo mà để cho người khác biết thì sẽ hồi hộp mất tập trung không thể làm được, mà có cố làm thì tiếng sáo khi thổi lên cũng sẽ không hay. Theo nghệ nhân Đặng Thị Thanh thì người làm sáo thường lặng lẽ mang nguyên liệu đến một gốc cây vắng ít người qua lại và tập trung cho việc làm sáo vì như vậy sẽ không có ai biết, cây sáo làm ra cũng sẽ có được âm thanh như ý.

Chế tác sáo đã khó, việc sử dụng sáo lại càng không phải là điều dễ dàng. Khi thổi, tay trái người thổi đỡ phần cuối cây sáo, tay phải đặt gần đầu sáo rồi từ từ đưa lên mũi. Hoàn toàn không có lỗ chỉnh âm nên hơi phát ra từ lỗ mũi của người thổi sẽ quy định âm điệu của tiếng sáo. Vì thế, người thổi sáo mũi phải có làn hơi dày, đều, phải biết tiết chế hơi từ bụng, làm sao cho âm thanh thoát ra nhẹ nhàng, tiết tấu lên xuống theo từng âm điệu của bài dân ca Phù Lá Xá Phó.

Nghệ thuật chế tác nhạc cụ truyền thống thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa nghệ thuật của tộc người. Qua đó, chúng ta có thể hiểu hơn về đời sống văn hóa sinh hoạt cộng đồng của tộc người Phù Lá. Với cách thức chế tác và thổi sáo bằng mũi có một không hai đã tạo nên một nét văn hóa đặc sắc riêng có của tộc người.

Đỗ Vân

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/