Người Việt từ xa xưa đã có truyền thống hiếu kính với ông bà, cha mẹ không chỉ khi còn sống mà cả khi đã khuất, điều này được thể hiện thông qua nghi lễ Vu lan trong Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đến nay, nghi lễ này đã trở thành lễ hội văn hóa báo hiếu lớn nhất ở Việt
Lễ Vu lan được tổ chức đúng dịp Tết Trung nguyên – Rằm tháng bảy, là một trong những nghi lễ lớn, phản ảnh sự tiếp biến văn hóa bắt nguồn từ Trung Quốc và dần phổ biến ở một số nước theo Phật giáo Đại thừa, trong đó có ở miền Bắc Việt Nam. Lễ Vu lan được người Việt nhanh chóng đón nhận và duy trì tích cực đồng thời được dân gian hóa thành lễ “xá tội vong nhân”, cúng cô hồn, cúng thí thực (tặng thức ăn) với ý nghĩa cầu cho người đã khuất siêu thoát, xá tội cho những vong hồn bị đày trong địa ngục. Như vậy, có thể nói, “xá tội vong nhân” là một hình thức đã được Việt hóa của nghi lễ Vu lan trong Phật giáo.
Đây là dịp để các thế hệ con cháu tưởng nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục, che chở của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những tiền nhân có công với đất nước nhằm cầu an phúc cho người sống, giải tội đồ cho người chết. Ðiều đặc biệt là ngoài việc cầu siêu cho gia tiên, người Việt còn có lễ cầu siêu cho các cô hồn, u hồn khi tại thế đã thất cơ lỡ vận, phiêu bạt bơ vơ, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái trong xã hội... bằng việc đọc bài văn tế cô hồn trong khi hành lễ. Có thể nói, tục cúng các cô hồn của người Việt đã giao hoà với tinh thần cứu khổ, cứu nạn, cứu nhân, độ thế của Phật giáo làm cho lễ Vu Lan thêm phần phong phú và sống động.
Nếu mâm cỗ gia tiên gồm có: cỗ mặn, tiền vàng và đồ mã có tính tượng trưng nhưng hình dạng giống thật (quần áo, giày dép, áo bào, cung điện, ngựa, trang sức đến những vật hiện đại: nhà cao tầng, xe ô tô, xe máy, điện thoại…) để cho người cõi Âm có được một cuộc sống giống như người Dương trần. Thì trên mâm cúng chúng sinh, lễ vật gồm có: quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc, các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, nước lã hoặc rượu, gạo trộn lẫn với muối, ngô, khoai lang luộc, cháo hoa...
Mâm cơm chay ngày lễ Vu Lan
Tại thành phố Yên Bái hiện có bốn thiết chế Phật giáo lớn, nằm rải rác trên địa bàn, gồm: Chùa Ngọc Am (chùa Am) phường Hồng Hà, chùa Linh Long (chùa Bách Lẫm) phường Yên Ninh, chùa Vạn Thắng (chùa Nam Cường) phường Nam Cường, chùa Minh Pháp (chùa Rối) xã Tân Thịnh. Hàng năm, vào độ tháng bảy Âm lịch, nhà chùa cùng các Phật tử và nhân dân nô nức tổ chức ngày lễ Vu lan.
Đại lễ Vu Lan tại chùa Linh Long
Ngày lễ Vu Lan, bên cạnh việc tụng kinh, cúng lễ, một số chùa còn có nghi thức "Bông hồng cài áo", là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, với ý nghĩa nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người. Ngoài ra, nhà chùa còn tổ chức thả đèn hoa đăng, thu hút quan tâm và tham gia đông đảo nhất là lễ thả đèn hoa đăng tại chùa Ngọc Am vào ngày Rằm tháng bảy hàng năm.
Để các Phật tử và nhân dân được thỏa lòng trẩy hội, mùa Vu lan năm Đinh Dậu – 2017 các nhà chùa sắp xếp tổ chức lễ chính vào những ngày khác nhau, cụ thể: chùa Vạn Thắng ngày 6/7, chùa Minh Pháp ngày 9/7, chùa Linh Long 14/7, chùa Ngọc Am 15/7 Âm lịch.
Chuẩn bị lễ Vu Lan tại chùa Minh Pháp
Đây cũng là dịp đồng thời cũng trở thành điểm đến góp phần tạo dựng hành trình du lịch tâm linh – tín ngưỡng trên địa bàn thành phố nói riêng và khu vực dọc sông Hồng nói chung.
Bỏ lại những âu lo bộn bề, chỉnh trang y phục, tìm đến cửa chùa để thắp nén nhang thơm, cầu cho nhân gian một cuộc sống an bình, gia đình no ấm, chúng sinh thoát kiếp nạn luân hồi; ta bỗng thấy lòng thanh tịnh, chợt nhận ra, cuộc đời còn nhiều ý nghĩa, đáng sống và cũng vô cùng đáng yêu; bớt “tham – sân - si” để hướng tới “từ - bi – hỷ -xả”.
Lễ cúng chúng sinh
Cuối chiều, tiếng chuông chùa ngân xa, văng vẳng bên tai câu thơ:
“Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tịnh bình rưới hạt dương chi
Muốn nhờ Đức Phật từ bi
Giải oan cứu độ, hồn về Tây phương.”
Vũ Ánh Hồng
TTQLDT&PTDL